Thông thường, khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm thì cũng đã rơi vào cuối tháng 1 hoặc trung tuần tháng 2 dương lịch, nghĩa là một phần ba hoặc một nửa quý I của năm dương lịch đã trôi qua.
Nếu cứ để tâm lý vui xuân kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết công việc; chất lượng, hiệu quả nền hành chính; ảnh hưởng tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội... Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, một yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan là phải thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ những ngày làm việc đầu tiên. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, đa số cán bộ, công chức luôn tận tụy, tận tâm với công việc, tận dụng tối đa thời gian làm việc để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thế nhưng bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, còn có tâm lý “đầu năm thong thả”. Không khó để bắt gặp tình trạng những ngày đầu xuân, cán bộ, công chức làm việc qua loa, lấy lệ, đến cơ quan “điểm danh” rồi đi chúc tụng, tiệc tùng, thậm chí còn bỏ bê công việc để đi lễ hội, du xuân trong giờ hành chính, khiến người dân, doanh nghiệp rơi vào cảnh “dân cần nhưng quan chưa vội”, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống khi thủ tục hành chính không được giải quyết kịp thời. Việc cán bộ, công chức vi phạm giờ giấc làm việc thường được một số người xuề xòa, bỏ qua nhưng thực tế lại là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý kỷ luật. Theo khoản 2 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ phải “có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Điều 18 luật này quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ, gồm: “Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công”. Các quy định cụ thể này cho thấy cán bộ, công chức phải chấp hành nghiêm nội quy, quy định về thời gian, giờ giấc làm việc, không được trốn tránh nhiệm vụ hay tự ý bỏ đi làm việc riêng trong giờ hành chính. Việc cán bộ, công chức bỏ việc, đi lễ hội, du xuân... trong giờ hành chính là hành vi trốn tránh trách nhiệm, tự ý trốn việc trong thời gian làm việc. Về hình thức kỷ luật, theo Điều 7 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức khi vi phạm về nghĩa vụ, những việc không được làm, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị... cán bộ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì bị áp dụng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc. Với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì hình thức kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc. Cuối năm 2023, giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một địa phương phía Bắc đã bị kỷ luật cho thôi chức vụ vì bỏ công việc, đi chơi golf trong giờ hành chính nhiều ngày là một ví dụ điển hình về vi phạm và xử lý vi phạm liên quan đến kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động. Mong rằng, mỗi cán bộ, công chức luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, không bỏ bê, lơ là công việc, nhất là thời điểm đầu xuân mới.